jeudi 1 décembre 2011

Triết luận

Thái Độ Biện Thuyết của Tuân-Tử

Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê

Biện thuyết là để làm sáng tỏ lẽ phải trái, điều lễ nghĩa, với mục đích tối hậu là thuyết phục, trị bình. Đối với bậc thức giả, biện thuyết là một nhiệm vụ tất yếu và cao đẹp. Thế cho nên khi biện thuyết, cần phải giử một thái độ xứng đáng, trang nghiêm. Thái độ biện thuyết mà Tuân-Tử chủ trương có thể chia làm hai phần :
Tích cực và Tiêu cực .
Trước hết, xin nói về phần Tích cực.

Thiên Chính Danh ghi :
" Lấy lòng nhân mà biện thuyết, lấy lòng kinh sợ mà lắng nghe, lấy lòng công bằng mà phân biệt phải trái, chẳng vì chúng nhân khen chê mà nao núng, chẳng cốt làm choáng lòa tai mắt người nghe, chẳng mua chuộc kẻ quyền cao thế mạnh, chẳng kéo bè kết phái để phao truyền những lời thiên lệch, dị kỳ, cho nên có thể một lòng theo sát đạo, cất tiếng là không bắt bẻ được, hòa nhã mà không quá lời, trọng lẽ công chính mà xem khinh lối tranh thắng, đó là sự biện thuyết của bậc Trí Sĩ, Thức Giả ".

Thiên Phi Tướng ghi :
" Cái thuật biện thuyết là phải giử cho nghi dung được trang trọng,lý luận được thành thực, chính trực ... phải kiên quyết giử vững lậptrường, phân biệt cho hiểu, thí dụ cho vỡ lẽ ... vui vẻ, từ tốn mà đưa ra chủ trương...Như thế lời mình nói sẽ có người nghe...dù người có không vừa lòng, người người vẫn quý trọng .

Biện thuyết là nói cho người đối thoại hiểu mà theo điều mình tin chắc là hay, là đúng. Muốn đạt kết quả đó dễ dàng hơn, luận cứ trình bày mạch lạc, tỉ dụ đưa ra rõ ràng chưa đủ, còn cần tỏ rõ một thái độ thành khẩn và khiêm cung : Thành khẩn, khiêm cung không có nghĩa là nhu nhược .

Về phương diện Tiêu cực, thái độ biện thuyết doTuân-Tử chủ trương gồm ba điểm :
1/ Không tranh - Bất tranh
2/ Không cầu thắng - Bất kỳ thắng
3/ Không tinh vi ( lắt léo một cách không đâu ) - Bất cẩu sát .

1- Không tranh
Tuân Tử nói : " Người thức giả biện bạch cho ra lẽ, chứ không tức khí cố hơn lời " ( Thức giả biện nhi bất tranh bất cẩu ).
Chẳng những khi biện thuyết không tức khi cố hơn lời, mà gặp người hiếu thắng thì không biện thuyết với ( Hữu tranh khí giả, vật dữ biện dã )
Là vì tranh lấy phần thắng, cố cãi lấy được, thì tình cảm bị xung động và, trong điều kiện ấy
" tâm nghiêng lệch, không đủ xét đoán được mọi lý " .

2- Không cầu thắng
Biện thuyết của Tuân-Tử, xét về tính chất có giống với biện thuyết nói trong " Nhân Minh " của nhà Phật : Biện thuyết để " khai ngộ " tuyệt nhiên tránh tranh chấp và không bao giờ cầu thắng đối phương. Tuân-Tử ghét thậm tệ cái hạng người ưa "cãi cối, cãi chày" để chạy làng,
gọi bọn người đó là " dịch phu ", " hạ dũng ".
" Không kể phải trái, đúng hay không đúng,chỉ muốn phá bỉnh người cho bằng được, ấy là hạ dũng, cái dũng của hạng hạ cấp,tê tiện ". " Cãi chày, cãi cối " chỉ chứng tỏ một khí cục hẹp hòi, một nhân cách
thấp kém. Biện thuyết cái lối "cả vú lấp miệng em " ấy, chẳng những vô bổ cho sự thật, thiệt hại cho công cuộc đấu tranh và thường khi còn làm cho thị phi điên đảo nữa .

3-Không tinh vi ( lắt léo một cách không đâu ) "tinhvi" gần như có nghĩa "chẻ sợi tóc làm đôi "

Biện thuyết tinh vi lắt léo, mà không thuận lợi cho lẽ phải, không cấp thiết cho công cuộc đấu tranh, thì tinh vi lắt léo đó tất thành quái đản !

Đấu tranh cho đại cuộc, người thức giả cần phải biện thuyết vì hai lý do :
- Một là để trừ tuyệt những lời bậy bạ, nhảm nhí (Tuân-Tử gọi là những gian ngôn) (Mạnh-Tử gọi là tà thuyết ) .
- Hai là để tuyên dương những điều nghĩa lý.

Ai cũng có khả năng biết lẽ phải trái, điều hơn thiệt, nhưng khả năng đó không đồng đều nơi mọi người mà lại còn có thể, hoặc ít, hoặc nhiều, bị lòng dục phương ngại, cho nên mới phân ra kẻ trí, người ngu :
" Sở khả dị dã, trí ngu phân " ( Thiên Phú Quốc )
" Biết phải là phải, gọi là trí ; phải cho là trái, trái cho là phải, gọi là ngu "
" Thi thị, phi phi, vi chi trí ; phi thị, thị phi, vi chi ngu "(Thiên Tu Thân).
Phải, trái lẫn lộn là nguyên nhân phát sinh và điều kiện dung dưỡng những gian ngôn, tà thuyết, đầu mối của họa loạn. Bởi thế người Trí giả hữu tâm, bậc quân tử ý thức trách nhiệm mình với đại cuộc đấu tranh, tất phải biện thuyết để làm sáng tỏ lẽ phải trái mà giử gìn chính
nghĩa ; nếu không thì không phải là " Kẻ sĩ có lòng thành ".

" Phàm lời nói mà không hợp với đạo lý, không thuận với điều lễ nghĩa thì là lời gian . Cho nên, người thức giả tất phải biện thuyết cho lẽ phải trái rõ ràng, chẳng ai là không thích nói điều mình cho là phải, mà người trí giả lại càng thích thế lắm, cho nên lấy lời nghĩa lý mà tặng người qúy hơn vàng ngọc , lời chân thật đẹp đẽ hơn nét thêu thùa, nghe người nói lời hay vui hơn chuông trống, đàn cầm, đàn sắt ....

" Người quân tử gọi là trí, không phải là biết tất cả được những gì mọi người biết, người quân tử gọi là biện luận giỏi, không phải là biện luận được tất cả những gì mọi người biện luận (...) Người quân tử là người biết chổ ngừng " ( Quân tử chi sở vị trí giả, phi năng biến tri nhân chi
sở tri chi vị dã ; quân tử chi sở vị biện giả, phi năng biến hiện nhân chi sở biện chi vị dã (...) Hữu sở chỉ hĩ ) - ( Nho Hiệu ).
" Nói mà không trúng điều nghĩa lý hay a dua theo lời nghịch lý thì chỉ tự mình nhục khí ".
" Nói mà đúng là biết, im mà đúng cũng là biết ; cho nên biết im cũng như biết nói " .


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire