lundi 5 décembre 2011

Thơ Nguyễn Công Trứ

Vịnh Cây Thông


Uy-Viễn Tướng-Công Hy-Văn Nguyễn Công Trứ



( 1778-1858 )




Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo,
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

Tổng bình của Thạch Trung Giả
Trích trong " Văn Học Phân Tích Toàn Thư "
Xuất bản " Lá Bối " SàiGòn 1973 :

Có lẽ đây là bài thơ thâm trầm thấm thía nhất của Nguyễn Công Trứ và là một trong những bài thơ thâm trầm thấm thía của văn học Việt Nam sánh được với bài thơ " Tự thán " của Nguyễn Trãi.
Phải là người hành động nhiều, ê chề lắm, giàu khí phách cũng như giàu tư lự mới làm nổi.Một nỗi kiêu hãnh đi với một nỗi xót xa, than thở nhưng than thở với mình hay một vài người như mình. Đau khổ nhưng vẫn ngạo nghễ mà lại càng ngạo nghễ để vươn cao lên sống trong cái cô độc của tâm hồn không cần xót thương an ủi. Thực là niềm đau khổ của kẻ anh hùng, càng đau khổ càng anh hùng. Vì dám nhận sự đau khổ mà vượt lên trên đau khổ, vui với khí phách của mình.
Nghệ thuật bài thơ này cũng như mọi bài thơ nhập diệu không thể nào phân tích được. Chúng ta chỉ nên nhắc đến thể lục bát nhiều bình thanh và thường tận cùng bằng những phù bình thanh khiến ta nghĩ đến tiếng thông đìu hiu cao vút như một tiếng ngậm ngùi dài nhưng cũng lại là một tiếng reo ca.Nguyễn Công Trứ thực đã cảm thấy cực kỳ thấm thía thế nào là lợi danhvinh nhục, thế nào là thế gian này.
Ngoài ra chúng ta nên nhắc đến câu bát thứ nhất tức là câu thứ hai của bài thơ :
" Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười "

Một câu hai vế đối ngẫu làm nổi bật cái éo le cay đắng của cuộc đời đã kết tinh biết bao nhiêu tâmtrạng của một kiếp người.Chúng ta không thể phân tích được hết những cái hay vì nó quá hay, cái hồn sống của nó đã vượt ra ngoài sự mổ xẻ luận bàn.Nhưng chúng ta phải nhận rằng tuy là một tâm trạng sâu xa nhưng không phải là tất cả con người của Nguyễn Công Trứ : Người đó có những lúc giận đời nhưng cái giận cái chán không thể làm tiêu ma tấm lòng vì nước vì dân, nghĩa là vì đời. Cái việc tám mươi tuổi còn dâng sớ xin cầm quân chống lại Thực dân Pháp là một bằng chứng hùng hồn để trả lời những người cố nhìn thấy ở Nguyễn Công Trứ :
" Phù thế giáo một vài câu thanh nghị "
mà không hề nhận thức rõ cái diễn tiến tâm lý của Uy-Viễn Tướng-Công :
" Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười "
Chính cái tiêu cực đó đã nói lên cái chí khí của " Kẻ Sĩ " khi nhìn vận nước nghiêng ngã đến ngày nay từ khi Liên quân Pháp và Tây Ban Nha toa rập với Cường lực Giáo quyền Quốc tế tấn công vào Đà Nẵng năm 1856 xâm chiếm nước Đại Nam ta.

Cát Phượng suy tầm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire