samedi 26 novembre 2011

Triết luận


Âm Dương - Động Tịnh

Trích trong ( Triết Học Đông Phương )

Thu-Giang Nguyễn Duy Cần

Người ta phần đông ngày nay thường bảo : Hễ là người thức giả có óc cách mạng mới hợp thời. Nếu hễ bàn đến cách mạng thì người ta thường nghĩ đến sự phá hoại triệt để, cắt đứt quá khứ để mà kiến thiết tương lai.
Nghĩ như thế là sai lầm. Con người, với thời gian, là một cái gì liên tục, không thể bao giờ gián đoạn được. Theo nhà tâm lý học trứ danh C.Jung thì nơi đáy lòng của mổi người đều có một cái bản ngã riêng và một cái bản ngã chung, gọi là siêu ngã
Cái bản ngã chung ấy là sự kết tinh của những tư tưởng, tình cảm, tôn giáo, luân lý, tập quán .....giáo dục v.v..... của mấy ngàn đời kết lại. Nó chi phối cái bản ngã ta trong mỗi hành vi tư tưởng của ta hằng ngày, chỉ có điều là ta vô tâm mà không dè đó thôi. Phủ nhận nó là một điều không thể được. Cái bản ngã ấy chính là cái " Hồn Dân Tộc " đâu phải nhất đán mà trừ khử được .
Một người " Vong bản " đến mực nào cũng vẫn mang nơi đáy lòng cái dấu vết của tâm hồn chung ấy, cho dù khoát lớp áo bên ngoài của Tổ chức, Đảng phái hay Tôn giáo .
Sức mạnh của một Quốc gia hay một Dân tộc là ở chỗ kết tinh Ấy có thật sự và có được bền chắc hay không .
Việt Nam chúng ta sở dĩ chịu đựng mọi thử thách đến từ những Cường lực và Văn hóa ngoại xâm cũng nhờ cái hồn dân tộc ta,
Cái siêu ngã ấy của ta cứng rắn vô cùng . Nhưng sức cứng rắn ấy không nên thái quá đến mất cả sự mềm dẻo của nó . Không cứng rắn thì "Hồn Dân Tộc" không cố thủ lâu dài, mà không mềm dẻo thì không thể thích ứng kịp theo sự thay đổi của trào lưu tiến hóa . Cái tính quá mềm dẻo, dể uốn nắn của quốc hồn, khiến cho dân chúng hay xua nhau vào những cuộc cách mạng liên miên. mỗi một cái gì mới lạ thì uà nhau mà theo, không phân biệt phải quấy, tốt xấu, vong bản, ngoại lai .....Theo họ, ai không như họ là thoái hóa, lạc hậu, phản động, vô thần ......
Cách mạng như thế là không sáng suốt ; Tin theo như thế là mù quáng điên cuồng .
Những giống sinh vật trên đời, những tập thể cũng như tất cả những dân tộc trên thế giới , phải bị tiêu diệt nếu quá kiên cố trong một quá khứ lâu đời hay lỗi thời đến hết còn thế nào thích ứng được với những điều kiện mới của cuộc " Sinh-tồn ", cũng như nó phải bị tiêu diệt, nếu nó cứ cách mạng không tưởng liên miên , cách mạng không sáng suốt liên tục , đối nghịch lại sự " Sinh-tồn Dân- tộc ".
Quốc gia bền vửng, Dân-tộc Sinh-tồn chính là Quốc gia Dân tộc đó khéo giữ được thế quân bình giữa hai tính mâu thuẫn ấy, tính kiên cố và mềm dẻo, Quốc gia dân tộc ấy sẽ tồn tại giữa những Cường quyền Bạo lực trên Thế gian này .
Thật vậy, phàm mỗi sinh vật đều có Hai tính mâu thuẩn nhưng thăng bằng chi phối, là ĐộngTịnh. TịnhÂm, mà ĐộngDương, Âm thì thu lại ( thủ thế lại ), Dương thì tán ra ( tấn công ra ). Trong sự hít thở, đó cũng là đạo Âm Dương. Hút vô là Âm, Âm có tính cố thủ lại những gì mình đã thọ được . Thả ra là Dương, Dương có tính ly tán, nhả ra những gì mình không nên giử lại. Trong sự ăn uống và bài tiết cũng là đạo Âm Dương đó.
Sự vật đều là vô thường cả, nghĩa là luôn luôn biến đổi, lạnh biến thành nóng, nóng biến thành lạnh, sáng biến thành tối, tối biến thành sáng, vinh biến thành nhục, nhục biến thành vinh, phải biến thành trái, trái biến thành phải, động biến thành tịnh, tịnh biến thành động..... những cặp đối đích ấy chỉ là về mặt bề trái của một thực tại mà thôi .
Động ở trong Tịnh mà ra, Tịnh nhân Động mà có. Vật nhờ Tâm mà không, Tâm nhờ Vật mà hiện. Hai thứ đối đích ấy cũng đồng một gốc mà ra, tuy 2 mà 1 .
Không có Âm thì Dương không nơi nương tựa, mà không có Dương thì Âm làm sao biến chuyển ... Nghĩa là Tối là điều kiện của Sáng, Tịnh là điều kiện của Động ...người ta không thể quan niệm Động mà không có Tịnh. Sáng mà không có Tối, sự liên quan của hai lẽ đối đích ấy rất chặt chẽ không bao giờ rời nhau được.
" động " mới có " đổi đời "," đổi đời " mới có sự " trở nên "Trong vũ trụ, trên thế giới không có cái gì là không Động, không đổi đời. Trong một hạt nguyên tử, khoa học ngày nay cũng đã khám phá ra rằng dưới hình thức như là " bất động" bề ngoài, bên trong thực sự là một sự biến động cực kỳ mãnh liệt của hai luồng âm dương quây quần mãi bên nhau với hai tốc lực phi thường.
Cũng như, quả đất ta đang sống đây, thấy như im lặng mà thật sự nó đang quay chuyển xung quanh mặt trời với một tốc độ mãnh liệt.
" Đổi đời " là cái luật chung và là cái luật lớn của vạn vật. Bỏ qua luật ấy, hay quên để ý đến cái luật " Đổi đời " ấy, thì suy nghĩ xét đoán sai lầm ngay.
Xét đoán việc xưa, việc nay, việc sẽ tới mà không để ý đến cái luật " Trở nên " là xét đoán vô căn cứ.
Tư tưởng theo luận lý hình thức, thì có là có, không là không, phải là phải, quấy là quấy...và luôn luôn tư tưởng chặt nịch như vậy.
Cho nên, người ta mới có kẻ đòi " đem cái phải mà trừ tuyệt cái quấy, cũng như lấy cái Âm mà trừ tuyệt cái Dương hay lấy cái Dương mà trừ tuyệt cái Âm "...
Họ bất chấp luật " Đổi đời ", luật " Trở nên ", luật " Biến dịch " từ trạng thái mâu thuẩn này sang trạng thái mâu thuẩn kia .
Việc đời cũng một thể. cái mà ta gọi là phải, chỉ có thể phải ở một mức độ nào, trong một trường hợp nào, chứ không phải nó luôn luôn phải ở bất cứ mức độ nào, ở bất cứ trường hợp nào.
Lạm bàn về Chính trị thời Xuân thu Chiến quốc, lúc Tướng quốc Quản Trọng đau nặng, Tề Hoàn Công đến thăm, cầm tay hỏi :
- " Nếu Trọng phụ bất hạnh mà có sự gì, tôi biết giao quyền chính cho ai ? "
Bây giờ Ninh Thích đã mất rồi, Quản Trọng thở dài than tiếc :
- " Tiếc thay Ninh Thích ".
Tề Hoàn Công hỏi :
-" Bộ người tài đã hết rồi sao ? Tôi muốn giao quyền bính cho Bảo Thúc, Trọng phụ nghĩ sao ?"
Quản Trọng nói :
- " Bảo Thúc là người quân tử, nhưng không thể cầm quyền chính trị được, vì hay phân biệt thiện ác quá. Yêu điều thiện thì phải, chớ ghét điều ác quà thì không ai chịu được ".
Lời tiên đoán của Quản Trọng thật không sai, Quản Trọng mất, Bảo Thúc lên thay, Tề Hoàn Công quả mất ngôi Bá.
Người cầm quyền trị nước đâu phải là người không biết rõ thiện ác. Họ biết rõ lắm. Họ biết ở đâu là thiện, ở đâu là ác, tới đâu là còn thiện, tới đâu là thành ác. Người cầm quyền trị nước là người biết tiến, biết thối, biết lấy, biết bỏ...không chấp nhất vào một cái phải hay cái quấy nào cả.
" Phần đông, chỉ biết tiến mà không biết lúc phải thối, chỉ biết giử cho còn, mà không biết làm mất đi, chỉ biết lấy cho kỳ được, không biết lúc phải bỏ đi...nên hể hành động chắc chắn không khỏi có điều hối hận " ( Kinh dịch ).
Làm chính trị mà triệt để " lấy một cái Phải dể trừ tuyệt cái Quấy" thì may ra chỉ có ở chế độ độc tài độc đảng mới có được lũ người " hoan hô " một chiều, không có người "chống đối " . Ở chế độ này thì chỉ có một cái Phải mà tất cả mọi người đều phải " hoan hô ", và cúi đầu nghe theo như mệnh lệnh, bằng lòng với số mệnh đã an bài. Nhưng, phải coi chừng luật quân bình !
Không sớm thì muộn, không sao tránh khỏi, nhân dân trong nước sẽ có ngày " lập lại quân bình ", đem lại công bình cho xã hội, đem lại cái phải, cái phải của nhân dân .
Trong trời đất không có hiện trạng " âm cô dương tuyệt " hay là " dương cô âm tuyệt " mà trái lại, hể âm cực thì dương sinh, dương cực thì âm sinh ...dù muốn hay không ta không làm sao làm nghịch nổi với Đạo lý Biến dich...Hiểu khác hơn là nguy hiểm vô cùng vì đã hiểu sai rất xa sự thật. Chỉ có những kẻ kém thông minh, hạn hẹp mới sở cầu " Độc tài ", sinh ra những tư duy nông nổi, ngông cuồng là tin tưởng đến một cái " Phải " tuyệt đối của mình thôi .
Biết được suốt cái lẽ Đạo rồi, thì không ai dám đi làm cái việc triệt để theo một cái Phải nào, để " trừ tuyệt " cái Quấy tương đương với nó. Trời Đất còn không bao giờ có thể làm được việc ấy ! Bởi vậy, làm chính trị mà không hiểu hoặc không đếm xỉa gì đến luật quân bình, thường phải gặt lấy những kết quả tai hại.
Dồn sự vật vào tình trạng " âm cô dương tuyệt " hay "dương cô âm tuyệt " mà làm hỏng cả đại sự, đem tai họa cho cả Dân tộc, gieo thãm cảnh trên khắp Quê hương.

Thu-Giang Nguyễn Duy Cần



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire